Sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19, đổi mới sáng tạo, trong đó ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất trở thành nhiệm vụ sống còn để bảo đảm mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.
Đây là những chia sẻ của các doanh nghiệp tại sự kiện kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam với chủ đề “Khát vọng doanh nhân” và hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức chiều tối ngày 11/10.
Theo đánh giá của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, ngay khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, đặc biệt là khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế được phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN khởi sắc trở lại.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội, “biến nguy thành cơ” nên tất cả các ngành nghề sản xuất, dịch vụ, du lịch… phục hồi rất nhanh.
Tuy nhiên, sang quý III/2022, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến không thuận lợi, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành nghề của doanh nghiệp. Dự kiến quý IV/2022, một số ngành nghề sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức, tuy nhiên theo các chuyên gia, với nhiều ngành thế mạnh như da giày, dệt may, thủy hải sản… nhiều doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt công nghệ khá tốt, đẩy mạnh tái cấu trúc, chuyển đổi số để vượt qua các thách thức.
Là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đai trong sản xuất từ sớm, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM cho rằng, bất kể DN nào trong thời buổi này cũng phải tái cấu trúc lại, trong đó ứng dụng chuyển đổi số từ quản trị đến sản xuất, dịch vụ trở thành nhiệm vụ sống còn để bảo đảm mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.
Đối với ngành dệt may, nguy cơ lạm phát những thị trường xuất khẩu chủ lực đang ngày càng gia tăng, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm may mặc vì vậy bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp đã đầu tư chuyển đổi số, hiện đại hoá sản xuất từ sớm sẽ có chi phí sản xuất cạnh tranh và có nhiều cơ hội duy trì, phát triển đơn hàng mới.
Theo đó, DN dệt may như Việt Thắng Jean có thể chuyển các thiết kế cho các đơn vị phân phối và đặt hàng, trong vòng 1 tuần có thể ra được sản phẩm thay vì phải mất vài tháng như trước kia.
Cũng theo ông Việt, việc chuyển đổi số, khai thác hiệu quả dữ liệu khách hàng, thị trường, từ đó sẽ giúp DN đưa ra các chiến lược kinh doanh và sản phẩm phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Mặt khác, từ năm 2023, các nước châu Âu ưu tiên mua hàng của những doanh nghiệp “xanh” khi biết ứng dụng công nghệ cao vào sản phẩm “xanh”. Những doanh nghiệp chậm chuyển đổi “xanh” hoá sản xuất sẽ mất cơ hội, buộc phải tuân thủ “luật chơi” chung hoặc tìm thị trường khác.
Cũng nhờ mạnh dạn đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thành công mà Công ty Trà Tâm Lan đã và đang ngày càng phát triển trên thị trường trong và ngoài nước.
Bà Võ Thị Lấn, Giám đốc công ty Trà Tâm Lan cho biết, với xu hướng hội nhập quốc tế và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành nền tảng quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất chè.
Anh Toàn/ Ảnh: Johnny Tran