Dịp lễ 30/4-1/5, người lao động được nghỉ liên tiếp 4 ngày nên nhu cầu đi lại giữa TPHCM và các tỉnh thành lân cận tăng cao đột biến. Trong đó, cao điểm nhất là ngày 29-30/4 với hơn 70.000 người đi xe khách, hơn 42.000-60.000 người đi máy bay. Nhiều chuyến bay, tàu hỏa từ TPHCM đi các tỉnh, thành phố du dịch đã bán hết vé từ nhiều ngày trước.
Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong ngày 25/4, vé máy bay từ Hà Nội, TPHCM đến các thành phố du lịch như Nha Trang, Côn Đảo, Đà Lạt, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Vinh… còn lại rất ít. Giá vé cũng tăng gấp đôi so với ngày thường, thậm chí có chuyến giá vé cao hơn cả vé ngày Tết. Giá vé ngày 30/4, chặng bay TPHCM – Vinh có giá vé phổ thông dao động từ 2,6 triệu đồng đến 5,4 triệu đồng tùy từng hãng.
Chặng bay TPHCM đi Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc… mỗi hãng hàng không cũng chỉ còn vài chuyến bay vào các giờ sáng sớm hoặc khuya. Riêng chặng TPHCM đi Côn Đảo hiện chỉ còn hãng Vietnam Arilines có 3 chuyến bay với giá vé hơn 3 triệu đồng/vé.
Cũng như hàng không, các chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn (TPHCM) đi các tỉnh thành vào ngày 29 và 30/4 gần như đã hết vé, kể cả ghế phụ. Hiện còn rất ít vé tàu đoạn từ TPHCM đi Tháp Chàm, Nha Trang… vào khung giờ rạng sáng. Chặng TPHCM – Vinh ngày 28/4, tàu SE4 và SE8 đã hết vé, tàu SE6 chỉ còn khoảng 40 vé nhưng hầu hết là ghế phụ. Ngày 29/4, các chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn đi Nha Trang, Đà Nẵng, Vinh… cũng đã kín chỗ. Giá vé tàu dịp này có tăng nhưng không đáng kể so với ngày thường.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, dự kiến kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, lượng khách qua ga Sài Gòn đông nhất vào 29/4, đa số hành khách tập trung đi các chặng từ TPHCM đến các thành phố du lịch như Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn, Đà Nẵng…
Để phục vụ nhu cầu của hành khách, ngành đường sắt đã tổ chức chạy thêm 17 đoàn tàu từ ga Sài Gòn đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng và ngược lại. Dù ngành đường sắt chạy tăng cường tàu nhưng đa số vé tàu đều đã được bán hết, chỉ còn một ít vé ghế phụ.
Trong khi vé máy bay đội giá, tàu hỏa đã kín chỗ, các bến xe ở TPHCM nỗ lực kìm giá vé để thu hút hành khách. Ghi nhận đến sáng 25/4, mới có khoảng 29 nhà xe ở bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) kê khai tăng giá vé với mức tăng không quá 20% cho các chặng gần như TPHCM – Vũng Tàu, Bình Phước… và không quá 40% với chặng đường dài đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Trong khi đó, bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) mới có 3 nhà xe kê khai tăng giá vé không quá 20% so với ngày thường.
Đại diện một số nhà xe cho biết, để thu hút người dân đi xe khách thay vì các phương tiện giao thông khác, đa số nhà xe quyết định không tăng giá vé. Theo ông Phạm Thanh Duyên, chủ nhà xe chạy tuyến TPHCM – Đắk Nông, hiện nay lượng hành khách cũng mới đạt khoảng 50% so với trước khi dịch bệnh COVID – 19 bùng phát. Do đó, dù được phép tăng giá vé nhưng doanh nghiệp vẫn bán vé với giá cũ.
Phối hợp chống ùn tắc
Theo dự báo, lượng hành khách đi lại dịp 30/4-1/5 ở TPHCM sẽ tập trung cao điểm vào các ngày 29-30/4. Để phòng chống ùn tắc trong và ngoài các bến xe, ga tàu, sân bay, lực lượng chức năng sẽ phối hợp điều tiết, phân luồng giao thông, lên phương án điều động tăng cường phương tiện để giải tỏa hành khách vào các khung giờ cao điểm.
Mới đây, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với Sở GTVT TPHCM bổ sung điểm đón khách tại làn B, ga quốc nội cho hai tuyến xe buýt trước đây chỉ đón khách tại ga quốc tế. Việc bổ sung điểm đón khách cho xe buýt giúp hành khách có thêm lựa chọn khi khó đón taxi đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ sắp tới.
Ông Trần Văn Phương, Phó Tổng giám đốc bến xe Miền Tây, cho biết, dự kiến ngày 29/4 sẽ có khoảng 48.000 hành khách và ngày 30/4 có khoảng 40.000 người đến bến xe để đi về các tỉnh miền Tây. Số lượng khách đi lại dịp lễ 30/4 năm nay gần bằng cùng kỳ 2021 và cao gấp 3-4 lần so với ngày thường.
Do đó, để phòng chống ùn tắc cục bộ tại bến xe vào những ngày cao điểm, bến xe và các đơn vị vận tải đã lên kế hoạch tăng cường đủ phương tiện phối hợp với Trung tâm Điều hành giao thông công cộng TPHCM để có phương án điều động xe buýt tăng cường khi xe khách không kịp quay đầu về bến.
“Những ngày lễ thường xảy ra kẹt xe ở các tỉnh miền Tây nên để đề phòng trường hợp xe khách không về bến đúng giờ, bến xe sẽ phối hợp đưa xe buýt vào chạy tăng cường để tránh việc khách phải chờ quá lâu”, ông Phương nói.
Tại bến xe Miền Đông, dự báo lượng hành khách đi lại dịp lễ 30/4 giảm nhẹ so với cùng kỳ 2021, sản lượng hành khách trong ngày cao điểm nhất dự báo chỉ đạt khoảng 70% và số chuyến xe xuất bến chỉ bằng 72% so với cùng kỳ năm 2021. Sẽ có khoảng 59.600 lượt khách với khoảng 3.400 chuyến xe xuất bến trong dịp lễ này. Trong đó, ngày cao điểm nhất là 29/4 với khoảng 25.100 lượt khách và 1.100 chuyến xe xuất bến.
Ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc bến xe Miền Đông, cho hay, đơn vị đã phối hợp lực lượng CSGT, công an địa phương lên phương án điều tiết giao thông, đặc biệt là khu vực đường Đinh Bộ Lĩnh, quốc lộ 13.
Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có lưu lượng hành khách các ngày cao điểm đạt trên 42.000 người. Lãnh đạo Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã họp bàn với các đơn vị taxi, xe công nghệ đăng ký hoạt động đưa, đón khách tại sân bay để lên phương án điều động phương tiện, giải tỏa ùn tắc.
Ông Đặng Ngọc Cương, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho hay, theo thống kê, có khoảng 15% lượng khách khi đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ sử dụng taxi để di chuyển. Hiện nay có 7.850 đầu xe taxi phục vụ hành khách tại Tân Sơn Nhất dịp cao điểm. Nếu lượng khách tăng lên 60.000 người/ngày, thì cần khoảng 9.000 lượt taxi.