Những vết thương cũ, mới trên cơ thể của chị G được chia sẻ tại clip được đăng trên mạng xã hội |
Thay bằng trình báo cơ quan chức năng mà chia sẻ lên mạng xã hội
Trước đó, cộng đồng mạng xã hội đã xôn xao, bất bình người đã gây ra những vết thương chằng chịt trên cơ thể một phụ nữ đang có bầu 7 tháng. Theo đó, người phụ nữ trong clip đã kể về quá trình làm dâu tại huyện Kim Thành (Hải Dương). Theo chị này, những vết thương cũ, mới chẳng chịt trên cơ thể chị là bởi do đòn roi của chồng gây ra. Cũng theo lời kể của người phụ nữ này, lúc mới về nhà chồng sinh sống giữa chị và chồng có xảy ra cãi vã. Nhưng khoảng 1 năm trở lại đây thì chị bị chồng đánh liên tục.
Nguyên nhân chị bị đánh là do chồng yêu cầu phải gọi điện vay tiền người thân, bạn bè trong Kiên Giang. Nếu không vay được tiền thì chị sẽ bị chồng đánh, thậm chí còn bị cạo đầu. Người phụ nữ trong clip chia sẻ, người chồng dùng móc phơi quần áo sau đó bẻ thẳng và lấy bếp gas đốt lửa; dùng dây điện của nồi cơm, dây thắt lưng đánh để đánh.
Đến tối 10/5, hai vợ chồng chị đi máy bay từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) vào TP HCM với mục đích vay tiền. Tuy nhiên, khi vào đến nơi, chị đã tìm cách bỏ trốn về quê nhà ở Kiên Giang, còn anh chồng quay trở lại Hải Dương. Xác nhận với báo chí, CA huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương cho biết đơn vị đang xác minh, điều tra thông tin người vợ mang bầu 7 tháng tố bị chồng bạo hành tại xã Kim Xuyên.
Theo CQ chức năng, nạn nhân là chị B.T.T.G (SN 1987, nguyên quán tại xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, trú tại thôn Quỳnh Khê 2, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), còn người chồng tên T.V.L (SN 1986, thường trú tại Kim Xuyên, Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Chị G và anh L đã đăng ký kết hôn năm 2021.
Hiện chị G không có mặt tại địa phương, CQCA đã làm giấy mời chị G. về để phối hợp điều tra. Và đến thời điểm này, CQCA chưa nhận được đơn tố cáo nào của chị G về sự việc. Thông tin nắm được là qua dư luận xã hội.
Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ CA, cuối năm 2022, thông qua công tác nắm bắt tình hình, CA xã Kim Xuyên từng xuống làm việc với chị G. về thông tin chị bị đánh đập. Tuy nhiên, khi CA xuống, chị này đã từ chối hợp tác, phủ nhận việc bị đánh, thậm chí đề nghị CA không được can thiệp vào làm mất hạnh phúc gia đình chị.
Thiếu quyết liệt, không chịu lên tiếng của nạn nhân khiến chính quyền khó khăn trong xử lý
Vậy là thông tin nạn nhân bị đánh thực hư ra sao chưa rõ, nhưng rõ ràng với những dấu vết còn lại trên cơ thể của chị G khi chị phô bày trên mạng xã hội, thì rõ ràng cơ thể chị có bị tác động. Và nếu thực sự bị đánh, tại sao thay bằng trình báo với chính quyền hoặc CQCA, thậm chí từ chối hợp tác với CQCA mà lại chia sẻ trên mạng xã hội?
Việc những phụ nữ bị bạo hành nhưng không chia sẻ, họ giấu kín nỗi đau của mình không hiếm. Lý giải vấn đề này, theo chuyên gia tâm lý, những cá nhân chịu bạo hành gia đình phải đối mặt với rất nhiều những vấn đề khác nhau về sức khỏe thể lý, tinh thần và cuộc sống.
Việc liên tục bị bạo hành không những khiến sức khỏe thể lý của họ bị ảnh hưởng mà còn tác động tới cảm xúc và cách họ nhìn nhận bản thân. Những người chịu bạo hành gia đình sẽ có nguy cơ vướng vào việc họ “nạn nhân hóa” chính mình. Đây là hiện tượng mà một người gặp bạo hành liên tục hạ thấp hình ảnh và sự tự tin của bản thân do tác động đến từ người bạo hành.
Lâu dài họ chấp nhận việc mình không còn khả năng tự chủ, tự quyết và hành vi bạo hành càng ngày càng được chấp nhận vì người bị bạo hành cho rằng mình không có giá trị và xứng đáng bị trừng phạt hoặc đối xử tiêu cực.
Cũng theo thống kê về tình hình bạo lực gia đình trong 10 năm qua, có khoảng 80% nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ. Điều tra quốc gia bạo lực gia đình với phụ nữ cho biết có 87,1% phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình đã không tìm đến sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể.
Một trong những lý do là ngại tiếp xúc với chính quyền, mặt khác có một số không thực sự tin tưởng chính quyền, đoàn thể có thể hỗ trợ được họ. Lý giải vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo đúng thủ tục để được chính quyền bảo vệ, nạn nhân phải viết đơn đề nghị. Đây là một trong những lý do khiến người bị bạo lực gia đình “ngại” trình báo chính quyền. Trong một số trường hợp, nạn nhân còn bị người có hành vi bạo lực hoặc người nhà ngăn cản, đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo hành vi bạo lực với chính quyền. Đứng trước vấn đề khó khăn có hay không viết đơn thường là có kết quả lựa chọn không và im lặng.
Cũng theo luật sư Hùng, Luật chống bạo hành đã có hiệu lực từ nhiều năm. Người chồng sẽ bị khởi tố hình sự nếu tỷ lệ thương tật trên 11%, dưới 11% sẽ bị xử lý hình sự tội hành hạ người khác. Bạo hành có ba hình thức gồm: bạo hành tinh thần, bạo hành thể xác, bạo hành tình dục. Luật chống bạo hành số 02/2007/QH12 của Quốc hội đã quy định, ngay khi sự việc xảy ra, người bị bạo hành lên tiếng, Chủ tịch phường hoặc xã ngay lập tức có quyền yêu cầu cấm tiếp xúc 3 ngày để đảm bảo an toàn cho người bị bạo hành.
“Luật thì như vậy, nhưng vì sự thiếu quyết liệt, không chịu lên tiếng của nạn nhân nên chính quyền địa phương thường gặp khó khăn trong xử lý. Bên cạnh đó, người chịu lên tiếng đã ít, chịu theo đuổi đến cùng còn ít hơn bởi đôi lúc khi nóng giận người ta báo chính quyền, đến khi khi chính quyền ra tay thì lại viết đơn bãi nại, bảo lãnh cho chồng trở về. Bên cạnh đó, còn có một lý do để xử lý tội cố ý gây thương tích phải có đơn của bị hại, nếu không có đơn này sẽ không thể xử lý hình sự được” – luật sư Hùng phân tích.
Việc xử lý bạo hành không dễ không chỉ bởi sự e ngại của chính người bị bạo hành mà còn do quá trình xác định chứng cứ. Vì vậy dù vì lý do gì, việc không lên tiếng tố cáo hành vi bạo hành sẽ khiến cho tình trạng này vẫn luôn nhức nhối và không có tính răn đe… |
Theo Pháp luật và Xã hội: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/su-im-lang-cua-nan-nhan-khien-chinh-quyen-kho-xu-ly-336422.html