UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo lúc 14h chiều 7-9 để thông tin dự án hồ chứa nước Ka Pét hình thành trên 600 ha đất rừng tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.
Chủ trì buổi họp báo là ông Nguyễn Hồng Hải – phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Dự buổi họp báo có ông Dương Văn An – bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận. Ngoài ra còn có đại diện các sở ngành liên quan, đơn vị quản lý rừng nơi dự kiến làm dự án hồ chứa nước Ka Pét và hơn 50 phóng viên báo chí.
Phát biểu mở đầu buổi họp báo, ông An chia sẻ dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được đưa ra lấy ý kiến từ lâu, được Quốc hội phê duyệt vào năm 2019 và điều chỉnh vào năm 2023.
Quá trình đó, dự án nhận được các đóng góp nhưng không có nhiều ý kiến phản đối dự án. Tuy nhiên, mới đây, từ một bài báo, dư luận cả nước lại quan tâm rất nhiều đến dự án này, trong đó có người ủng hộ, người không ủng hộ. Người dân Bình Thuận đang chịu cảnh khô hạn hằng năm ủng hộ cho rằng dự án cần thiết, người không ủng hộ lại cho rằng Bình Thuận phá rừng.
Để rộng đường dư luận, Bình Thuận tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ về quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án trình các cấp phê duyệt, cũng như quy mô, cách thức khai thác, bảo vệ rừng.
“Tôi mong cuộc họp báo diễn ra thẳng thắn, cởi mở, chân tình, nói rõ và thẳng với nhau. Việc gì nhà báo quan tâm, đề nghị các đồng chí có trách nhiệm trả lời hết. Về những việc chuyên môn sâu nếu chưa trả lời được xin hứa sẽ trả lời bằng văn bản. Tinh thần tỉnh không né tránh và cũng mong báo chí thông tin chân thật, nhiều chiều, đầy đủ. Không chỉ nên ca tụng tích cực, nhưng cũng không chỉ nói tiêu cực. Cả cái gì tốt và không tốt đều nói. Nếu nói một cách phiến diện sẽ đưa bạn đọc đến những suy luận không đúng với thực tế”, ông An nói.
Nói thêm về ý nghĩa dự án, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nói mới đây có đoàn đi khảo sát, nhưng đi vào mùa mưa chỉ mới thấy một nửa thực tế khó khăn của người dân. Nếu đi thêm vào vào mùa khô sẽ hiểu được nỗi khổ của người dân như thế nào.
“Tôi nhớ VTV có các phóng sự về khô hạn ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, trong đó có Bình Thuận. Đồng khô, cỏ cháy, ruộng đồng nứt nẻ, ngay cả cừu, trâu, bò cũng chết. Phải nói làm lãnh đạo ở địa phương không lo được cho dân thì cũng là tội lỗi. Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân, dự án này là giữ nước cho dân, tăng nước ngầm, điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô. Chỉ nói một chiều về rừng thì bao nhiêu người dân, cây trồng chịu cảnh khô hạn. Nên tôi muốn mọi nhận định, ý kiến cần đặt vào vị trí của người dân”, ông An chia sẻ.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Thuận nói thêm: “Làm lãnh đạo nếu ngại va chạm dư luận xã hội, gió chiều nào theo chiều ấy, đẽo cày gữa đường thì dễ quá. Tôi nhớ lời Bác Hồ nói, việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng quyết tâm làm, việc gì có hại cho dân thì dù nhỏ cũng cố sức tránh. Làm ở đây không phải làm bất chấp, không phải làm không có khoa học, làm theo kiểu phá hoại”.
Và ông An khẳng định: “Tỉnh sẵn sàng tiếp thu ý kiến của nhà khoa học, báo chí, nếu có gì bất cập, bất hợp lý ảnh hưởng môi trường, phá hệ sinh thái đến mức nặng nề, không thể khắc phục, tỉnh sẽ sẵn sàng điều chỉnh, không bảo thủ. Tỉnh xác định, việc đúng thì quyết tâm làm, sai thì chỉnh sửa, tiếp thu, không bảo thủ”.
Diện tích rừng làm hồ Ka Pét chiếm 0,15% rừng tự nhiên của Bình Thuận
Thông tin tại cuộc họp báo, ông Lê Thanh Sơn – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận – chỉ vào màn hình chấm điểm dự án hồ Ka Pét trong tổng thể diện tích rừng Bình Thuận và nói: “so với 360.000 ha rừng tự nhiên toàn tỉnh, 600ha rừng dành để làm dự án chỉ là một chấm rất nhỏ trên màn hình, chỉ chiếm 0,15%”.
Nói riêng về rừng đặc dụng để làm dự án so với tổng diện tích hơn 24.000 rừng đặc chủng (do Ban quản lý khu bảo tồn thiên niên Núi Ông quản lý) cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ nên mức độ ảnh hưởng không quá lớn với tổng thể chung.
“Tôi mạnh dạn ví von một bông hoa hồng rất đẹp khi rơi một cánh thì hoa hồng vẫn rất đẹp”, ông Sơn chia sẻ.
Thông tin về hiện trạng điều tra, kiểm kê rừng trong khu vực dự án, đại diện Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ cho biết thực hiện đúng các quy định, quy chuẩn hiện hành. Kết quả sơ bộ, trong tổng số 679,72 ha đất rừng có 619,58 ha đất có rừng (rừng tự nhiên 612,48 ha và rừng trồng 7,1 ha) và 60,14 ha đất không có rừng.
Phân theo mục đích sử dụng có 149,9 ha rừng đặc dụng, 0,86ha rừng phòng hộ, 440,4ha rừng sản xuất và 40,72ha nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng.
Về trạng thái rừng, trong số 612,48ha (chiếm 90,11%) có trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL giàu là 12,22 ha (chiếm 1,80%), trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL trung bình là 120,25 ha (chiếm 17,69%), trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL nghèo là 43,04 ha (chiếm 6,33%), trạng thái rừng hỗn giao tự nhiên núi đất là 436,11 ha (chiếm 64,16%) và trạng thái rừng hỗn giao tự nhiên núi đất là 0,86 ha (chiếm 0,13%).
Dự án hồ chứa nước Ka PétTheo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội quyết định và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư ngày 24-6-2023. Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3 cùng hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là 874,089 tỉ đồng, gồm ngân sách Trung ương là 519,927 tỉ đồng và ngân sách địa phương 354,162 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025. Khi dự án hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II khoảng 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết. Mục tiêu của dự án còn phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết. Tổng diện tích đất dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng 137,95 ha; rừng phòng hộ 0,51 ha; rừng sản xuất 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha. Việc dư luận đặc biệt quan tâm nhất hiện nay là vì sao địa phương lại chọn phương án xây hồ chứa nước trên đất rừng mà không phải nơi khác. Việc chuyển đổi mục đích rừng này sẽ tác động tiêu cực ra sao. Việc trồng rừng thay thế sẽ tiến hành và đảm bảo thế nào? |
TUỔI TRẺ ONLINE CẬP NHẬT