Chiều ngày 15/3/2023, Đoàn thí sinh Quốc tế trong cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu năm 2023 đã có dịp đến tham quan Làng nghề dệt Thổ cẩm của dân tộc M’Nông tại xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa . Đây là chuyến đi trong khuôn khổ thăm quan và quảng Bá nét văn hóa độc đáo của người dân tộc M’Nông đến bạn bè Quốc tế.
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cùng đại diện Lãnh đạo địa phương chụp ảnh lưu niệm cùng các thí sinh
Dẫn đầu đoàn có Tiến sĩ. Nhà báo Hồ Minh Sơn. – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Đại diện Tc Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam, Phó CVP Viện IMRIC Trương Hữu Phước (BD Hữu Ước) – Tc Nhiếp ảnh và Đời sống, Tiến sĩ Lê Ánh Dương – Phó GĐ Chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên, Ông Võ Văn Đạo (ca sĩ Thế Vũ) – PGĐ CN miền Trung – Tây Nguyên, Nhà báo Hồ Phú Quốc – Trưởng ĐD Tc Doanh nhân pháp lý, Trưởng ban truyền thông Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Trưởng BTC Benz Đường, cùng 22 thí sinh của cuộc thi.
Tỉnh Đắk Nông có một nền văn hóa phong phú và đa dạng với các lễ hội, sử thi, không gian văn hóa cồng chiêng. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm – một nghề đã tồn tại từ lâu đời và đem đến những lợi ích cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng là nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Những tấm Thổ cẩm được dệt với nhiều hoa văn, họa tiết thể hiện bàn tay khéo léo của người phụ nữ đồng bào dân tộc và làm nên các trang phục đẹp nhiều màu sắc.
Hiện nay, Đắk Nông có nhiều làng nghề dệt thổ cẩm được lưu giữ và phát triển như: Bon tại xã Đắk Nia, tx Gia Nghĩa, bon Đăk Sô, xã Quảng khê, và một số bon làng tại huyện Cư Jút. Theo truyền thống của đồng bào M’Nông, người ta thường chọn nền vải là màu đen, tượng trưng cho đất; màu đỏ tượng trưng cho sự dũng cảm, sức mạnh siêu nhiên, khát vọng tình yêu; màu xanh tượng trưng cho màu của trời, sông núi; màu vàng tượng trưng cho sự hài hoà, mơ ước, khát vọng trong cuộc sống của con người Tây Nguyên.
Nguyên liệu thường được dùng để dệt váy, áo thổ cẩm của người M’Nông là những nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên như bông, vỏ cây, rễ cây… Hoa văn trang trí đường viền ở chân váy, cổ áo, tay áo… có dạng hình thoi, tam giác được kết lồng vào nhau và điểm xuyến bằng nhiều hình ảnh từ thiên nhiên, hoa, chim, thú …thể hiện mối quan hệ cộng đồng giữa con người với con người và con người với thiên nhiên.
Đây là một nghề truyền thống đã có từ lâu đời, tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của buôn, bon làng. Khi làm nghề này, người ta đã sử dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập cho gia đình tại địa phương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến cho nghề dệt thổ cẩm cũng như nhiều nét văn hóa khác của người M’nông bị mai một dần. Để bảo tồn nghề truyền thống độc đáo này, cần có những chương trình, chính sách cụ thể như: xây dựng xưởng dệt tập trung, mở lớp đào tạo, đưa những chị em có tay nghề lâu năm đi tham quan, triển lãm hình ảnh, quảng bá du lịch, tạo điều kiện cho du khách nước ngoài đến tham quan và cảm nhận thực tế.
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh: “Khôi phục các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cũng là một định hướng phát triển ngành du lịch của tỉnh nhà. Những chiếc khăn, khố, váy, áo choàng…được thêu hoa văn, màu sắc sặc sỡ từ chất liệu thổ cẩm góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Đắk Nông, níu giữ du khách khi đến với vùng đất này để chiêm ngưỡng tìm hiểu, khám phá nét độc đáo trong từng trang phục và chọn cho mình những món quà lưu niệm độc đáo, ý nghĩa sau một chuyến đi xa…”. Khẳng định về điều này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho hay đây cũng là tiêu chí mà Ban chỉ đạo cuộc thi mong muốn lan tỏa giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng qua các thí sinh đến với đất nước và người thân của họ.
Phú Quốc – Ngọc Hải