Thông tin mọi du khách trong nước và quốc tế tham quan khu phố cổ Hội An phải mua vé, áp dụng từ ngày 15-5-2023 nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận.
UBND TP Hội An (Quảng Nam) vừa ban hành phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An. Cụ thể, đối với hoạt động hướng dẫn tham quan, mọi du khách trong nước và quốc tế tham quan khu phố cổ Hội An phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào. Giá vé cho khách quốc tế là 120.000 đồng/vé, khách nội địa là 80.000 đồng/vé.
Mới chỉ là dự thảo
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, xác nhận TP mới chỉ đưa ra phương án và tất cả chỉ nằm trong dự thảo. Để triển khai các cơ quan, ban ngành của TP còn phải họp với đơn vị lữ hành, đặc biệt là tham vấn ý kiến của chính các cư dân sinh sống trong khu phố cổ. “Tôi khẳng định TP không yêu cầu mua vé đối với tất cả mọi người khi vào khu phố cổ. Ví dụ, người thân của bà con sinh sống trong khu phố cổ có thể ra vào thăm hỏi mà không phải mua vé” – ông Sơn cho hay.
Theo ông Sơn, nhiều năm qua, tình trạng thất thoát vé tham quan phố cổ trở thành vấn đề nhức nhối khiến doanh thu ngành du lịch địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc áp dụng bắt buộc mua vé đối với tất cả du khách khi vào tham quan phố cổ sẽ phần nào giải quyết được vấn đề trên. Ngoài ra, điều này cũng sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp lữ hành.
“Rõ ràng đơn vị lữ hành nào chấp hành đúng quy định trong việc mua vé tham quan cho du khách sẽ thiệt thòi so với những đơn vị chuyên dẫn khách tham quan chui. Còn vấn đề nhiều người lo ngại là làm sao để nhận biết được người dân trong khu phố cổ hay du khách để bán vé, chúng tôi cũng đã tính tới việc này” – ông Sơn nói.
Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: THANH NHẬT
Ngoài ra, TP sẽ kết hợp chuyển đổi số để nhận diện du khách. Việc giám sát, vận động, hướng dẫn mua vé đối với các đoàn khách sẽ được triển khai ngay từ bên ngoài, khi du khách vừa tới bến xe. Cũng theo ông Sơn, so với các địa điểm khác, gần nhất là thánh địa Mỹ Sơn, rõ ràng nhiều năm qua việc bán vé tham quan ở Hội An không được kiểm soát nghiêm ngặt.
Hai lối đi cho du khách và người địa phương
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh truyền hình TP Hội An, cho biết điểm mới của phương án là bố trí hai lối đi cho người địa phương và du khách. Các đường chính sẽ có một lối đi của người dân, một lối cho du khách. Tại vị trí này sẽ bố trí lực lượng hướng dẫn du khách mua vé tham quan, khi qua chốt, du khách thoải mái đi lại trong khu phố cổ.
Theo bà Cẩm, hiện nay tình trạng du khách đi các kiệt, hẻm làm khó cho lực lượng chức năng trong việc hướng dẫn, phục vụ, gây thất thoát vé. Việc bán vé đã có từ lâu, tuy nhiên thời gian trước TP làm chưa chặt chẽ đối với khách lẻ, bây giờ tăng cường hơn trong việc quản lý, bán vé.
Việc một số ý kiến cho rằng du khách vào phố cổ không tham quan các điểm di tích nhưng buộc phải mua vé là không hợp lý. Bà Cẩm cho rằng UNESCO công nhận tổng thể quần thể kiến trúc của đô thị cổ Hội An, không chia đơn lẻ từng di tích. “Khi bước vào di sản thế giới thì du khách phải thực hiện nghĩa vụ. Ví dụ du khách uống ly nước, ăn tô mì, cao lầu… trong phố cổ phải khác với ở ngoài, vì cảnh quan chung, rất nhiều hoạt động và có giá trị riêng” – bà Cẩm giải thích.
Bà Cẩm cho biết thêm nếu không có giải pháp, khi lượng người vào phố cổ đông kéo theo nhiều ảnh hưởng tới công tác bảo tồn. Bây giờ, TP có giải pháp để cân đối, hài hòa. Ngoài quản lý chặt chẽ, mức giá vé cũng sẽ được cân nhắc trong thời gian tới.
“Hội An luôn tiếp thu ý kiến phản biện, đóng góp của tất cả mọi người. Trong quá trình làm sẽ có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế chứ không bảo thủ, cứng nhắc, chắc chắn sẽ linh hoạt, tiếp thu, nghiên cứu cho phù hợp” – bà Cẩm nhấn mạnh.
Phí là để bù đắp chi phí bảo quản, tu bổ…
Theo luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn, Đoàn LS TP.HCM, Luật Phí và lệ phí năm 2015 quy định phí tham quan di tích lịch sử, phí tham quan danh lam thắng cảnh hay phí tham quan công trình văn hóa, bảo tàng sẽ do Bộ Tài chính quy định đối với công trình thuộc trung ương quản lý; HĐND cấp tỉnh quyết định đối với công trình thuộc địa phương quản lý, căn cứ vào Điều 2 Thông tư 85/2019 của Bộ Tài chính.
Theo đó, căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội, quy mô, hình thức hoạt động tham quan của từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng, HĐND cấp tỉnh quy định mức thu phí phù hợp nhưng phải bảo đảm một số nguyên tắc.
Cụ thể, mức thu được áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài. Đối với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới thì quy định mức thu phí bằng hoặc cao hơn mức thu phí danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng khác. Đồng thời miễn, giảm phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng đối với trẻ em, người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật.
Theo LS Tuấn, trên cơ sở thông tư trên, các tỉnh, thành sẽ ban hành các quy định về phí tham quan tại các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử.
Thu đúng và đủ hay tận thu?
Hội An không chỉ là một điểm du lịch mà còn có vai trò của một đô thị gồm hai phần: Phần tham quan và phần công cộng như đường sá, quán ăn… Phần công cộng thì làm sao thu phí. Tôi e rằng là không công bằng. Khu phố cổ San Deigo (Mỹ), đền Taj Mahal (Ấn Độ) đều là điểm du lịch nổi tiếng nhưng họ không bán vé vào cổng. Các nước trên thế giới phần lớn họ hạn chế trực thu mà chuyển qua gián thu. Khách đến với TP đó họ ăn uống, ngủ nghỉ, mua sắm… đó chính là cách họ trả phần phí tham quan, thậm chí lớn hơn phí tham quan. Như vậy lợi tức sẽ lớn hơn khi thu 80.000 đồng hay 120.000 đồng tiền vé tham quan. Về căn bản khách không vô TP thì không đói, không khát, không có nhu cầu mua quà lưu niệm thì giá vé có khả năng là rào cản làm cơ sở dịch vụ không thu được tiền, không có khách hàng. Mặt khác, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, các tỉnh đang kích cầu du lịch, Hội An làm như vậy có đi ngược lại tình hình chung và chiến lược của Chính phủ không? Ông PHAN ĐÌNH HUÊ, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt Cách làm này thể hiện tư duy tận thu với khách du lịch của TP, tạo tiền đề xấu cho du lịch Việt Nam. Trên thế giới không ai thu vé tham quan TP hay phố cổ. Như thành cổ Lệ Giang (Trung Quốc) họ cũng không thu vé vì họ cho rằng khi mở cửa rộng rãi, du khách sẽ mua sắm, ăn uống sẽ chi tiêu nhiều hơn tiền vé. Hội An cũng có những điểm tham quan nếu du khách muốn tham quan thì phải trả tiền là đúng, tuy nhiên khách muốn ăn cao lầu hay may áo dài lại “bắt” khách mua vé… là điều phi lý. Việc thu phí là cách làm hạ sách, chúng ta sẽ mất một ít nguồn thu nhưng ta sẽ có cái lợi khác, đó là cách “thả con tép bắt con tôm”. Mất một ít tiền vào cửa nhưng chúng ta được nguồn lợi gấp mấy lần và cả tình cảm thân thiện của du khách. Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Chủ tịch Lửa Việt tours TP Hội An đã có chính sách thu phí từ rất lâu rồi, hiện TP đang tăng cường việc thu phí đúng và đủ phí tham quan tại phố cổ. Các điểm di sản văn hóa thế giới trong nước như ở Huế, Hạ Long, Ninh Bình có mức thu phí rất cao so với Hội An. Tính về quy mô, Hội An đang áp dụng giá rất thấp. Việc bảo tồn và hoạt động du lịch tại phố cổ cần nhiều chi phí, Hội An là tài sản văn hóa thế giới. Những người đến Hội An phải có trách nhiệm trùng tu di sản. Vấn đề bây giờ là thu đúng đối tượng, triển khai triệt để không gây sự phân biệt. Ông NGUYỄN SƠN THỦY, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam THU TRINH ghi |
Nguồn: https://plo.vn/de-xuat-thu-phi-vao-pho-co-hoi-an-gay-tranh-cai-post727224.html