Khi nhân viên muốn xin nghỉ việc, thường có vô số lý do.
Ví dụ, có thể là vì không được trả lương cao, hay họ gặp vấn đề với cấp trên và đồng nghiệp; hoặc là chính bản thân họ đang chán nản khi không có cơ hội thăng tiến… Trong nhiều trường hợp không phải nộp đơn nghỉviệc hoặc thông báo nghỉ việc là có thể nghỉ việc ngay. Nhiều người đã than phiền rằng không thể “dứt áo ra đi” khi sếp luôn tìm cách “giữ chân” họ. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn nên làm gì? Hãy cùng tham khảo một số gợi ý sau đây nhé!
Lên kế hoạch, lộ trình từ sớm
Điều này có nghĩa là “bật đèn xanh” từ sớm. Đây là cách ứng xử khôn khéo, để không chỉ giữ gìn mối quan hệ với sếp mà còn không gây bất ngờ trước quyết định nghỉ việc của bạn. Với những cách “bóng gió” với đồng nghiệp như chia sẻ từng ước mơ được học và làm thêm ngành mới, hay mong muốn thực hiện những dự án khác… Hãy chia sẻ điều đó với thái độ chân thành, vui vẻ, hoặc hài hước trong hoàn cảnh phù hợp. Sau một vài lần thì mọi người sẽ nhận ra ý định của bạn.
Tuy vậy, bạn vẫn chưa nên vội kể chuyện bạn muốn tìm việc làm mới với bất cứ đồng nghiệp nào nếu bạn chưa nói trực tiếp với sếp, vì nhiều khi “tam sao thất bản” khi đến tai sếp thì mọi chuyện sẽ càng rối rắm, hành trình nghỉ việc của bạn sẽ còn gian nan và có thể có nhiều thị phi.
Đưa ra lý do nghỉ việc thuyết phục
Khi muốn xin nghỉ việc, điều đầu tiên sếp sẽ hỏi “Lý do xin nghỉ của anh/chị là gì?”. Đây là câu hỏi cơ bản nhất để sếp nắm rõ tình hình là liệu bạn muốn thôi việc vì bản thân đã tìm được việc mới hay vì một lý do khó nói nào đó. Vì vậy, để sếp tạo điều kiện cho bạn ra đi một cách thuận lợi, thoải mái thì hãy vạch ra một lý do hợp tình, hợp lý và thuyết phục nhất. Chẳng hạn, tìm lý do rằng bạn cần một môi trường mới có nhiều cơ hội hơn. Nếu đưa ra lí do với một thái độ chân thành sếp sẽ cảm thông cho bạn vì nhân viên nào cũng cần nhu cầu phát triển bản thân. Điều này cũng sẽ giúp hình ảnh bạn trong mắt sếp được tốt hơn. Vì dù ra đi thì việc giữ gìn mối quan hệ sếp – nhân viên của công ty cũ là cần thiết, bởi biết đâu sau này bạn sẽ lại cần họ giúp. Còn nếu không có một lý do thuyết phục nào, bạn hãy vận dụng tối đa sự hiểu biết của bạn về sếp để có những lời lẽ lấy được sự tin tưởng và đồng thuận từ sếp.
Gửi email hoặc nhờ vả người thứ 3
Nếu bạn không khéo ăn nói, hoặc không biết mở lời với sếp như thế nào thì có thể nghĩ đến cách gửi email hoặc nhờ vả người thứ 3 nói hộ với sếp ý định nghỉ việc. Gửi email chỉ nên sử dụng trong một vài trường hợp khi sếp đi công tác xa, sếp thường xuyên vắng mặt ở văn phòng… Nếu sếp là người “mạnh mẽ” khiến bạn run sợ khi mỗi lần gặp mặt thì việc nhờ vả người thứ 3 cũng là phương án khả thi. Người thứ 3 ở đây có thể là chuyên viên nhân sự, là người “đỡ lời”, người khéo ăn khéo nói, có thể giúp bạn bày tỏ lý do xin nghỉ việc.
Nói chuyện thẳng thắn và xin mốc thời gian nghỉ việc với sếp
Việc nên làm của bạn nếu sếp vẫn “chần chừ” chưa muốn cho bạn nghỉ việc vẫn là nên nói chuyện thẳng thắn, trực tiếp với sếp và xin mốc thời gian nghỉ việc. Hãy khôn khéo bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục công việc (có thể ít nhất 2 tuần hay 1 tháng) để công ty có thời gian tìm người thay thế. Hãy thể hiện bằng sự chân thành, sự tử tế cần có với thái độ, hành động tích cực, thiết thực. Đừng quên bày tỏ lòng biết ơn thời gian qua họ đã nhiệt tình giúp đỡ bạn như thế nào. Không chỉ bạn thấy nhẹ lòng trước khi rời đi mà sếp và đồng nghiệp công ty sẽ đánh giá tốt về bạn.
Trường hợp sếp là một người quản lý tốt, công ty là môi trường phù hợp để bạn thể hiện năng lực. Nhưng vì nhiều lý do như mức lương không như mong đợi nên bạn mới muốn xin nghỉ việc. Ở thời buổi hiện nay tìm việc làm là không dễ dàng, vì vậy nên suy nghĩ thật kỹ nếu trong mắt bạn nơi đây vẫn là “thiên đường”.
Mai Hương