Cho đến thời điểm này, Công ty China Policy Limited (gọi tắt là CPL) vẫn là một doanh nghiệp “3 không” tại Việt Nam. Cả văn phòng đại diện chỉ vài chục m2 ở TP. HCM, CPL cũng “quên” xin phép. Vậy mà doanh nghiệp “thiên đường thuế” này vẫn thoải mái “sống khoẻ” suốt 14 năm qua. Trong khi đó, Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát), chủ đầu tư Dự án lại bị đối xử không công bằng suốt nhiều năm qua.
Một góc Dự án.
Tái diễn chiêu “gắp lửa bỏ tay người”
Việc thành lập Công ty liên doanh theo Phán quyết số 29/12 ngày 25/4/2013 VIAC (Phán quyết Trọng tài) giữa Công ty Hồng Phát với CPL cho đến thời điểm hiện tại vẫn bế tắc bởi nhiều nguyên nhân, chủ yếu xuất phát từ CPL. Thế nhưng, trong văn bản mới nhất gửi Bộ Tư pháp và cơ quan chức năng, Tổng giám đốc CPL Tong Kwok Lun, tiếp tục quy kết, đổ lỗi cho Công ty Hồng Phát.
CPL cho rằng đã nhiều lần gửi dự thảo Hợp đồng liên doanh để thành lập Công ty liên doanh theo Phán quyết Trọng tài, nhưng Công ty Hồng Phát từ chối với nhiều lý do không có cơ sở. Gần đây nhất là ngày 13/7/2020, CPL đã gửi Công ty Hồng Phát đề xuất thành lập Công ty liên doanh. Ngày 14/7/2020, Công ty Hồng Phát đã có văn bản phản hồi, bác bỏ hoàn toàn các đề xuất thiện chí của CPL và tiếp tục lặp lại những cáo buộc vu cáo vô lý đối với CPL. Từ ngày 20/11/2020 đến nay, Công ty Hồng Phát không có bất kỳ liên hệ nào với CPL để trao đổi thỏa thuận và chuẩn bị thành lập Công ty liên doanh.
Phản hồi về vấn đề này, đại diện Công ty Hồng Phát cho biết: Tại cuộc họp giải quyết thi hành án vừa được Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An tổ chức ngày 01/12/2021, Công ty Hồng Phát đã trình bày rõ nội dung này, kèm theo Văn bản số 81/CV-CPHP.21 ngày 01/12/2021.
Với tư cách là chủ đầu tư Dự án hợp pháp và duy nhất được pháp luật công nhận, Công ty Hồng Phát luôn có quan điểm nhất quán thể hiện rõ trong hàng loạt văn bản đã gửi cho các cơ quan chức năng và CPL. Theo nội dung Phán quyết Trọng tài thì Công ty Hồng Phát phải “thực hiện tiếp tục Thỏa thuận khung, đúng theo Điều 6.1 và các điều khoản khác của Thỏa thuận khung, bao gồm thực hiện quá trình xin cấp phép cần thiết và đạt được chứng nhận đầu tư cho Công ty liên doanh được thành lập”.
Hơn ai hết, CPL nhận thức sâu sắc rằng: “Để Công ty liên doanh được thành lập theo các điều khoản của Thỏa thuận khung, thì đòi hỏi cả hai bên phải thiện chí hợp tác, cùng ngồi lại bàn bạc, thỏa thuận đi đến thống nhất, ký kết một Hợp đồng liên doanh. Từ đó, Hồng Phát mới có cơ sở, căn cứ pháp lý để thực hiện các thủ tục xin phép, thành lập Công ty liên doanh”, “Việc hợp tác, thành lập Công ty liên doanh hoàn toàn mang tính tự nguyện, đảm bảo hai bên cùng có lợi, không ai được can thiệp hay làm thay, kể cả cơ quan THADS”.
Bên cạnh đó, “Để Công ty liên doanh được thành lập, không chỉ Hồng Phát mà cả CPL cũng phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ theo các điều khoản của Thoả thuận khung. Trong đó, có hai nội dung cực kỳ quan trọng: CPL phải chịu trách nhiệm “thu xếp đủ nguồn tài chính cho phát triển Dự án”, quy định rõ tại Điều 3.3 và điểm d Điều 6.2. Và kể từ ngày ký Thoả thuận khung, CPL phải “hoàn thành nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ bản và thiết kế chi tiết cho Dự án” nêu rõ tại điểm c, Điều 6.2.
Việc cung cấp tài chính cho Dự án là rất quan trọng, theo quy định của Thỏa thuận khung thì việc này thuộc trách nhiệm của CPL. Ngày 31/7/2020, Công ty Hồng Phát có văn bản đề nghị CPL cung cấp các tài liệu chứng minh năng lực tài chính nhưng đến nay, CPL chưa cung cấp. Trước đó, tại Văn bản 541/BC-SKHĐT ngày 10/10/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An kết luận: “Hồ sơ CPL đã nộp chưa chứng minh được năng lực tài chính thực hiện dự án”. Cả việc “hoàn thành nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ bản và thiết kế chi tiết cho Dự án” CPL cũng không thực hiện.
Trên thực tế, giữa CPL và Công ty Hồng Phát có nhiều mâu thuẫn, bất đồng, rất khó để hoá giải. Chính CPL cũng khẳng định điều này nên việc đàm phán, đi đến thống nhất liên doanh giữa hai công ty gặp rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, do Phán quyết Trọng tài đã có hiệu lực thi hành nên Hồng Phát tuân thủ và luôn nỗ lực, tích cực thực hiện, được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ.
Đại diện chủ đầu tư lên tiếng, Công ty Hồng Phát có đầy đủ căn cứ chứng minh, chính CPL khởi kiện để có được Phán quyết Trọng tài như ý muốn nhưng CPL hoàn toàn không có thiện chí thực thi. Bắt đầu từ ngày 01/4/2019 đến nay, CPL đã tự vô hiệu hoá, quyết liệt khai tử Phán quyết Trọng tài, liên tục đưa ra yêu sách “chia tách dự án, chia 130ha đất”, cắt ra từ 13 quyền sử dụng đất của Hồng Phát để CPL thực hiện Dự án riêng mang tên “Saigon Beverly Hills”.
Chính CPL đã nhiều lần khẳng định: “Mâu thuẫn giữa CPL và Công ty Hồng Phát đã kéo dài nhiều năm, không thể tháo gỡ. CPL không còn một chút niềm tin với Hồng Phát, việc hai bên hợp tác thành lập Công ty liên doanh không còn khả thi nên “chia đất” là giải pháp duy nhất” để giải quyết triệt để và dứt điểm tranh chấp”.
Tính từ ngày 01/4/2019 đến nay, CPL có ít nhất 11 lần đòi “chia đất”. Tại cuộc họp mới nhất ngày 09/3/2021 do Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Long An đồng chủ trì, CPL còn đòi thu hồi Dự án đã cấp cho Hồng Phát lấy đất chia cho CPL 130ha. Trong khi đó, ngày 13/7/2020, CPL có văn bản gửi Công ty Hồng Phát, đề xuất thành lập Công ty Liên doanh.
Bà Thái Thị Hồng Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Hồng Phát cho biết: “Chính CPL xác định mâu thuẫn giữa hai công ty lên đến điểm đỉnh, không thể hoá giải, dẫn đến việc thành lập Công ty liên doanh không còn khả thi nên đòi “chia tách Dự án, chia đất”. Sau đó, CPL đưa ra đề xuất thành lập Công ty Liên doanh, rồi CPL lại đổi ý, đòi “thu hồi Dự án, chia 130ha đất”.
Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Công ty Hồng Phát vẫn kiên trì thương lượng, thuyết phục CPL. Trong văn bản ngày 14/7/2020 cùng nhiều văn bản khác gửi cho CPL cũng như tại các cuộc họp giải quyết thi hành án do Cục THADS tỉnh Long An tổ chức, Công ty Hồng Phát đề nghị CPL khẩn trương xác định lại 1 trong 2 yêu cầu:
Thứ nhất, nếu CPL muốn “chia tách Dự án, chia đất” thì đề nghị CPL nêu rõ lý do để yêu cầu “tách và chia”? Việc “tách và chia” căn cứ vào những điều luật cụ thể nào? Cơ sở nào để CPL đòi “chia” 130ha đất mà không phải ít hơn, hay nhiều hơn? Cơ quan nào có thẩm quyền để thực hiện việc “tách Dự án” và “chia đất” theo yêu cầu của CPL? Khi đó, sẽ xử lý ra sao đối với Phán quyết Trọng tài?
Thứ hai, nếu chọn “thi hành Phán quyết Trọng tài” thì CPL phải khẳng định rõ ràng với Công ty Hồng Phát và cơ quan THADS cùng các cơ quan chức năng có liên quan khác, là CPL chấm dứt yêu cầu “chia tách Dự án, chia đất”. Đồng thời, CPL có ngay văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng, khẳng định từ bỏ yêu cầu “chia, tách Dự án, chia đất” để Thủ tướng Chính phủ có hướng xử lý tiếp theo, tránh kéo dài, gây thiệt hại chồng chất.
Phó Tổng giám đốc Thái Thị Hồng Hậu lên tiếng: “Công ty Hồng Phát đã và đang chờ CPL từ bỏ yêu cầu “thu hồi Dự án, chia đất” hoàn toàn trái quy định của pháp luật; đồng thời cam kết tuân thủ và thực thi Phán quyết Trọng tài để hai bên ngồi lại bàn bạc, giải quyết những bất đồng, tiến tới các bước tiếp theo. CPL không hồi âm, trắng trợn vu cáo Hồng Phát. Hành vi này của CPL đã lặp đi lặp lại nhiều lần.
Lộ rõ trái pháp luật, sao không “gỡ” mà còn “ôm”?
Ngoài vu cáo Công ty Hồng Phát, CPL đề nghị Cục THADS tỉnh Long An tiếp tục duy trì Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 (Quyết định 07) ngăn chặn 13 quyền sử dụng đất với 232,66ha của Công ty Hồng Phát.
Việc Cục THADS tỉnh Long An ra lệnh phong toả tài sản của Công ty Hồng Phát nhằm chặn đứng nguồn huy động vốn quan trọng của chủ đầu tư trở thành đề tài “nóng nhất” trong lĩnh vực thi hành án suốt gần 3 năm qua. Dư luận báo chí cả nước đặc biệt quan tâm đến vụ việc này, liên tục phản ánh, chỉ rõ Quyết định 07 ban hành trái quy định pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho Công ty Hồng Phát và con số này tăng lên từng ngày.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhiều chuyên gia pháp lý, Luật sư đã phân tích, chỉ rõ Quyết định 07 trái quy định pháp luật. Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ: “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý việc ra các Quyết định thi hành Phán quyết Trọng tài không đúng pháp luật. Trong Phán quyết Trọng tài của VIAC không có điều khoản nào cho phép cưỡng chế bất kỳ tài sản nào của Công ty Hồng Phát để thi hành theo Thoả thuận khung. Bản chất của việc thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh và xử lý tài sản là hai việc không liên quan với nhau. Nếu cưỡng chế tài sản hợp pháp của Công ty Hồng Phát là vi Hiến, vi phạm pháp luật. Cơ quan THADS không có quyền đứng trên luật pháp để cưỡng chế kê biên, gây khó khăn hoặc có hành vi bất hợp pháp cho tài sản mà không được phán quyết về tư pháp cho phép”.
Tại Văn bản số 123/BC-BTP ngày 04/6/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp kết luận nhiều nội dung, trong đó có điểm mấu chốt: “Không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát”. Văn bản này được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Văn bản 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018 của Văn phòng Chính phủ, nội dung: “Đồng ý về nguyên tắc hướng giải quyết của Bộ Tư pháp tại Văn bản số 123/BC-BTP. Nếu có tranh chấp về góp vốn và bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện Thỏa thuận khung giữa hai Công ty, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, UBND tỉnh Long An hướng dẫn các Công ty khởi kiện tại Tòa án nhân dân để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật”.
Chính Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng cũng khẳng định trong Văn bản số 458/CV-CTHADS ngày 05/10/2018: “Cục THADS tỉnh Long An không có căn cứ để cưỡng chế kê biên tài sản đối với 13 quyền sử dụng đất 232,66ha theo quy định tại Khoản 4 Điều 69, Điều 71 Luật THADS năm 2014”.
Trong Văn bản số 81/CV-CPHP.21 ngày 01/12/2021 gửi Cục THADS tỉnh Long An, Công ty Hồng Phát nêu rõ: Cục THADS tỉnh Long An ban hành Quyết định 07 theo yêu cầu của CPL nhằm để thực thi Phán quyết Trọng tài, nhưng suốt gần 3 năm qua, mục đích mà CPL nhắm đến là “chia đất”. Cục THADS tỉnh Long An đã biết tường tận ý đồ của CPL nhưng không chấm dứt thi hành Quyết định số 07 mà vẫn duy trì Quyết định này dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không thể khắc phục.
Khoản 4 Điều 69 Luật THADS năm 2014 quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản”. Trong khi đó, Quyết định số 07 được ban hành đến nay đã hơn 1.000 ngày nhưng Cục THADS tỉnh Long An không xử lý các bước tiếp theo (như áp dụng biện pháp cưỡng chế) cũng không chấm dứt việc ngăn chặn, mà tiếp tục “ngâm” khối tài sản trị giá nhiều nghìn tỉ đồng của Công ty Hồng Phát, bất chấp quy định của pháp luật.
Đại diện Công ty Hồng Phát bức xúc: “Cục THADS tỉnh Long An không xử lý một loạt hành vi của CPL, cụ thể như không thi hành Phán quyết Trọng tài, đòi chia đất… Ngược lại, Cục THADS tỉnh Long An quay sang phong tỏa toàn bộ 232,66ha đất của Hồng Phát dù biết rõ không có căn cứ”.
Nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, người có thẩm quyền liên quan đến vụ việc thi hành Phán quyết Trọng tài. Thời gian qua, trong nhiều đơn thư Công ty Hồng Phát đều nêu có nhiều cán bộ, công chức có hành vi trái pháp luật, thậm chí có dấu hiệu phạm tội, xâm phạm quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp, pháp luật, gây nhiều thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn chưa được xem xét, xử lý theo pháp luật. Do đó, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo để làm sáng tỏ các vấn đề, giải quyết thấu triệt các nội dung kiến nghị của Công ty Hồng Phát, tránh gây thiệt hại, tổn thương cho doanh nghiệp, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
6 nội dung kiến nghị của chủ đầu tư
Cả 6 nội dung kiến nghị đã được Công ty Hồng Phát nêu rõ trong Văn bản số 81/CV-CPHP/21 ngày 01/12/2021 gửi Cục THADS tỉnh Long An. Cụ thể:
Một là, Cục THADS tỉnh Long An ban hành văn bản chấm dứt thực hiện Quyết định số 07 ngày 18/12/2018 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho Công ty Hồng Phát, cũng là giảm nhẹ phần nào trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân liên quan. Nếu Cục THADS tỉnh Long An tiếp tục duy trì Quyết định số 07 thì phải tiến hành xử lý các bước tiếp theo đối với khối tài sản của Công ty Hồng Phát theo đúng Luật THADS và quy định của pháp luật hiện hành.
Hai là, Cục THADS tỉnh Long An yêu cầu CPL nghiêm túc thực thi Phán quyết Trọng tài và Thoả thuận khung, trong đó có hai nội dung thuộc trách nhiệm của CPL được quy định rõ trong Thoả thuận khung: CPL phải hoàn thành nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ bản và thiết kế chi tiết cho Dự án; và CPL phải chứng minh đã thu xếp đủ nguồn tài chính cho phát triển Dự án.
Ba là, Cục THADS tỉnh Long An yêu cầu CPL từ bỏ việc đòi “chia 130ha đất” hoàn toàn trái quy định của pháp luật. Đồng thời, Cục THADS tỉnh Long An yêu cầu CPL có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ các cơ quan chức năng, khẳng định từ bỏ yêu cầu “chia, tách Dự án, chia đất”, khi đó mới có căn cứ tiếp tục thi hành Phán quyết Trọng tài. Cục THADS tỉnh Long An chấm dứt ghi vào biên bản yêu cầu chia đất của CPL. Nếu CPL không tuân thủ vẫn yêu cầu đòi “chia 130ha đất”, đề nghị Cục THADS tỉnh Long An xử lý CPL theo đúng quy định của Luật THADS.
Bốn là, tiếp theo Văn bản số 458/CV-CTHADS ngày 05/10/2018 của Cục THADS tỉnh Long An, đề nghị Cục THADS tỉnh Long An tiếp tục có văn bản gửi Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng, tìm biện pháp xử lý khi Phán quyết Trọng tài không thể thi hành được bởi những lý do đã được Cục THADS tỉnh Long An nêu rõ trong Văn bản số 458/CV-CTHADS.
Năm là, Cục THADS tỉnh Long An kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xử lý đối với Văn bản số 123/BC-BTP ngày 04/6/2018, kết luận nhiều nội dung, trong đó điểm mấu chốt “Phán quyết Trọng tài rất khó để tổ chức thi hành trên thực tế” và “Không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát”. Văn bản này được Thủ tướng Chính phủ thông qua và có chỉ đạo cụ thể tại Văn bản 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018.
Sáu là, Cục THADS tỉnh Long An kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Long An khẩn trương thu hồi chỉ đạo buộc tạm ngưng triển khai Dự án kéo dài đã hơn 2 năm, tạo điều kiện cho Công ty Hồng Phát tiếp tục triển khai Dự án theo Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan, nhằm tránh gây thêm thiệt hại chồng chất cho chủ đầu tư Dự án.