Trong các số ra ngày 9 và 28/5/2019, Báo Người cao tuổi chỉ ra việc China Policy Limited (gọi tắt CPL) và Công ty mẹ Chuang’s Consortium International Limited (Công ty Chuang’s) đều “sinh ra” tại “thiên đường thuế”, lộ rõ dấu hiệu “chuyển tiền lậu, đầu tư chui” vào Việt Nam; gian dối khi đưa Dự án chưa được cấp phép lên sàn chứng khoán Hongkong nhằm thu lợi bất chính; vu cáo, muốn đẩy chủ đầu tư vào cảnh tù tội để độc chiếm Dự án. Chưa dừng lại, CPL còn trịch thượng, xem thường pháp luật Việt Nam, đòi “chia” đất Dự án, phá vỡ quy hoạch… Trong bài này, chúng tôi nói rõ thêm việc CPL “lên giọng” thách thức, “đe” địa phương và “dọa” Trung ương như thế nào.
Dự án từ những ngày đầu
Dự án từ những ngày đầu
Dự án từ những ngày đầu
Lập luận của ông giám đốc “2 trong 1”
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng Việt Nam, ông Chan Chun Man, Giám đốc Công ty Chuang’s, đồng thời cũng là Giám đốc CPL, nhân danh cả hai công ty “mẹ và con”, xác định: Ngày 1/6/2007, CPL và Công ty CP Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) kí “Thỏa thuận khung”, dự định kí kết một Hợp đồng thành lập Công ty liên doanh để triển khai dự án. CPL đã ứng trước số tiền 15,6 triệu USD. Việc đầu tư của CPL là hợp pháp, nên phải được bảo vệ đầy đủ các quyền của nhà đầu tư nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư.
Tuy nhiên, nếu việc đầu tư của CPL là hợp pháp thì chắc chắn sẽ được Nhà nước Việt Nam bảo vệ đầy đủ các quyền của nhà đầu tư nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư. Hơn ai hết, ông Chan Chun Man hiểu rõ, khi đầu tư ra ngoại quốc, trong đó có Việt Nam, thì phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật của nước sở tại, nhất là về đầu tư. Nhưng thực tế ở đây, việc đầu tư của CPL không tuân thủ pháp luật Việt Nam, lộ rõ đầu tư “chui”, chuyển tiền “lậu”. Không chỉ Báo Người cao tuổi, mà còn có nhiều cơ quan báo chí trong cả nước đã lên tiếng.
Như chúng tôi phản ánh trong các số báo trước, xuyên suốt 12 năm qua, kể từ khi CPL hiện diện tại Việt Nam kí “Thoả thuận khung” với Công ty Hồng Phát, “thiên đường thuế” không lập thủ tục đăng kí để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Vấn đề này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Bộ Công an chỉ rõ bằng các văn bản số 2463/BKHĐT-PC ngày 17/4/2018, số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 và số 1106/ANCTNB-P4 ngày 7/11/2018. Theo đó, CPL không đăng kí đầu tư, kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam nên chưa phải nhà đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Do không tuân thủ theo các quy định của pháp luật về đầu tư nên CPL chưa được cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam từ địa phương đến Trung ương công nhận tư cách pháp nhân là một nhà đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư. Số ngoại tệ 15,6 triệu USD chuyển vào Việt Nam cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, công nhận là khoản đầu tư hợp pháp.
Theo Công ty Hồng Phát, CPL có nhiều luật sư Việt Nam, tư vấn hỗ trợ pháp lí nên nắm rõ, hiểu sâu nhưng lại không tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư suốt thời gian dài. Việc này cũng dễ hiểu, bởi CPL không muốn hợp tác phát triển Dự án lâu dài mà chỉ bỏ ra một số tiền để đầu tư kiểu “lướt sóng” rồi đưa lên sàn chứng khoán Hongkong thể hiện có dấu hiệu lừa người dân xứ này lấy 80 triệu USD bằng chiêu “quảng cáo nổ”. Do chỉ muốn “lướt sóng” nên CPL không lập thủ tục đầu tư để được cấp phép theo quy định.
Dù CPL không có tư cách pháp nhân, lộ rõ việc đầu tư “chui”, chuyển tiền “lậu”, nhưng khi xảy ra tranh chấp với chủ đầu tư, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (gọi tắt là VIAC) vẫn thụ lí, ra “Phán quyết Trọng tài” lộ rõ trái pháp luật, có lợi cho CPL. Điều này, khiến nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam từ địa phương (lãnh đạo UBND tỉnh Long An cùng các sở ngành liên quan) đến Trung ương (lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự, Thanh tra Bộ Tư pháp…) đã vào cuộc, tìm biện pháp giải quyết bằng tinh thần, trách nhiệm, theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hết “đe” địa phương đến “dọa” Trung ương?
Hồ sơ thể hiện, từ lúc xảy ra tranh chấp (năm 2008), sau đó là Phán quyết Trọng tài ngày 25/4/2013 kéo dài đến nay, lãnh đạo UBND tỉnh Long An, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, đã chủ trì rất nhiều cuộc họp với các cơ quan hữu quan và UBND huyện Đức Hòa để giải quyết.
Ghi nhận và cảm kích sự chỉ đạo sâu sát của địa phương nên ngày 2/11/2017, luật sư Lương Văn Trung (đại diện theo uỷ quyền của CPL), nhân danh và thay mặt CPL, kí văn bản gửi lãnh đạo UBND tỉnh Long An, Ban Nội chính Tỉnh ủy cùng nhiều cơ quan chức năng của Tỉnh, bày tỏ:“Chúng tôi (CPL) rất cảm ơn những chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát của quý cơ quan thời gian qua liên quan đến Phán quyết Trọng tài”. Và khi ý đồ “cấm vận”, ngăn chặn Công ty Hồng Phát triển khai Dự án được toại nguyện, CPL hết lời tưởng thưởng, tán dương “quý cơ quan” của Long An. Đến khi Bộ Tư pháp cùng các các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Long An vào cuộc xem xét lại việc ngăn chặn Hồng Phát theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, thì CPL trở ngược với những lời lẽ gay gắt.
Cụ thể như trong đơn đề ngày 26/3/2018, luật sư Lương Văn Trung đề nghị “các cơ quan có thẩm quyền sử dụng toàn bộ thẩm quyền của mình” để buộc “Hồng Phát phải tôn trọng, thực thi đầy đủ Thỏa thuận khung và Phán quyết Trọng tài”. Thật khó tin, chính CPL đã “xé toạc” Phán quyết Trọng tài khi đòi tách Dự án, chia đất nhưng lại yêu cầu Hồng Phát tôn trọng Phán quyết (?!).
Trong văn bản ngày 9/10/2018 gửi Văn phòng Chính phủ và nhiều cơ quan Trung ương, ông Chan Chun Man, nhân danh cả hai công ty “mẹ và con” phản đối, cho rằng, Công ty Hồng Phát đã “tự ý” thực hiện Dự án trên diện tích đất giai đoạn I nhưng không gặp bất kì sự khuyến cáo hay ngăn cản nào từ các cơ quan có thẩm quyền ở Long An…Chẳng những không chỉ đạo ngăn chặn, các cơ quan thẩm quyền còn yêu cầu Hồng Phát thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.
Giám đốc “2 trong 1” khuyến cáo:“Bất kì hành động hay không hành động hoặc sự hỗ trợ nào từ các cơ quan có thẩm quyền để cho Hồng Phát thực hiện Dự án sẽ gây thiệt hại cho CPL. Hành động đó không phù hợp với các cam kết quốc tế và bảo hộ đầu tư của Việt Nam, có thể dẫn đến tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư”.
Từ lập luận trên, ông Chan Chun Man đề nghị Quý lãnh đạo triển khai “phương án chỉ đạo nghiêm túc” theo hướng: Yêu cầu UBND tỉnh Long An buộc Hồng Phát ngay lập tức ngưng thực hiện Dự án cho đến khi thỏa thuận Liên doanh được kí kết. Yêu cầu Tòa án Nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và các cơ quan có thẩm quyền khác có ý kiến, chỉ thị hoặc hành động không tạo sự phân biệt đối xử, từ chối tiếp cận công lí và các hệ quả khác có thể xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Chuang’s và CPL…
Cuối văn bản, ông Chan Chun Man đề nghị hỗ trợ giải quyết kịp thời để tránh các hệ lụy ngoài mong muốn. Rồi ông này dọa: Trong trường hợp không nhận được sự hỗ trợ và giải quyết thỏa đáng thì CPL“không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét khả năng khởi kiện Nhà nước CHXHCN Việt Nam để yêu cầu các biện pháp khắc phục…”.
Tiếp đến, ngày 24/10/2018, CPL có văn bản do Tổng giám đốc Tong Kwok Lun kí, tiếp tục “dọa” các cơ quan chức năng phải có “quyết định và hành động đúng pháp luật” để tránh một vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư với Nhà nước CHXHCN Việt Nam (?!).
Chủ đầu tư lên tiếng
Tại văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp xác định, CPL không đáp ứng định nghĩa “nhà đầu tư” và không có thẩm quyền khởi kiện. Lãnh đạo Chính phủ, cụ thể là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình luôn chỉ đạo sát sao các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương giải quyết vụ tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Thay vì khắc phục những điểm yếu của mình, CPL nhiều lần “dọa” Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Nên nhớ rằng, Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, không cho phép bất cứ ai đe dọa, làm ảnh hưởng đến uy tín hay an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Với một CPL không tuân thủ theo pháp luật Việt Nam lại nhiều lần có dấu hiệu xúc phạm đến Nhà nước Việt Nam là không thể chấp nhận được, nếu không làm rõ xử lí nghiêm sẽ là một tiền lệ xấu.
Về phía chủ đầu tư Dự án, Công ty Hồng Phát cho biết, việc Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An Đặng Hoàng Yên “thương” CPL, kí Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 ngăn chặn toàn bộ 232,66 ha đất Dự án của Hồng Phát và Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí Quyết định số 06/QĐ-CTHADS ngày 6/3/2019 “giữ y” Quyết định số 07/QĐ-CTHADS đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến cho Hồng Phát thiệt hại hàng chục tỉ đồng và chưa dừng lại.
Đại diện chủ đầu tư lên tiếng: “Một CPL nhiều lần “đe” các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương nhưng không bị xử lí nên ngày càng lộng hành, xem thường pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, Công ty Hồng Phát với tư cách là chủ đầu tư, luôn nỗ lực triển khai Dự án nhưng liên tục bị cấm đoán, ngăn chặn. Bị dồn vào đường cùng, Hồng Phát đang chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An, yêu cầu bồi thường…”.
Bà Trần Thị Việt Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát (áo vàng) tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách ở huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.
Một góc Dự án hôm nay
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Mai Thân (11/6/2019)
Link nguồn: https://ngaymoionline.com.vn/doi-song-phap-luat/viet-tiep-bai-vu-tranh-chap-du-an-khu-dan-cu-cao-cap-va-truong-dua-ngua-500ha-o-long-an-cpl-la-ai-ma-trich-thuong-de-dia-phuong-doa-trung-uong-dau-tu-chui-roi-doa-kien-nha-nuoc.html